Sáng 11.1, giá vàng SJC tại TP.HCM mua vào 43,2 triệu đồng/ lượng và bán ra 43,65 triệu đồng/lượng. So với giá cuối ngày trước đó, vàng SJC tăng 250.000 đồng/ lượng ở chiều mua vào và tăng thêm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Điều này làm tăng khoảng cách mua – bán từ 400.000 đồng/lượng lên 450.000 đồng/lượng.
Như vậy với các ngày tăng mạnh rồi sau đó lao dốc đi xuống trong tuần này, mỗi lượng vàng miếng SJC so với cuối tuần trước vẫn tăng thêm 350.000 đồng/lượng. Tương tự, giá vàng Doji sáng 11.1 mua vào 43,3 triệu đồng/lượng và bán ra 43,5 triệu đồng/lượng, tăng thêm 290.000 đồng/lượng so với cuối ngày trước đó.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đang có xu hướng tăng trở lại. Theo Kitco lúc 8 giờ sáng 11.1, kim loại quý đang ở mức 1.561 USD/ounce, tăng thêm 9 USD/ounce so với ngày trước đó.
Trong phiên giao dịch 10.1, giá vàng đã lên cao hơn vì các lệnh trừng phạt mới đối với Iran của Mỹ đã gây ra sự lo lắng về bất ổn leo cao. Các mục tiêu của lệnh trừng phạt gồm các ngành sản xuất, khai thác và dệt may của Iran cũng như trực tiếp nhắm vào các quan chức cấp cao của Iran.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy tăng trưởng việc làm tháng 12.2019 thấp hơn dự kiến đã giúp thúc đẩy giá vàng đi lên. Bên cạnh đó, tỷ giá USD cũng giảm từ mức cao nhất trong 4 tuần so với đồng yen Nhật và đồng franc Thụy Sĩ.
Trong khi đó, các chỉ số Phố Wall nhuốm sắc đỏ khi kết thúc phiên giao dịch 10.1 (rạng sáng 11.1 giờ Việt Nam). Theo CNBC, các nhà đầu tư quay ra bán cổ phiếu khi tiếp nhận dữ liệu việc làm yếu hơn dự báo. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones rớt 133,13 điểm, tương đương mất 0,46% xuống 28.823,77 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,29% xuống 3.265,35 điểm và Nasdaq Composite cũng mất 0,27% còn 9.178,86 điểm. Tuy nhiên tính chung cả tuần này, các chỉ số vẫn ghi nhận tuần tăng với S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,9% và 1,8%, Dow Jones tăng thêm 0,7%.