Loại đặc sản ‘đen sì’, xưa rẻ bèo giờ có tiền cũng khó mua
- Chia sẻ:
Loại đặc sản 'đen sì', xưa rẻ bèo giờ có tiền cũng khó mua - Tin vừa cập nhật bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Loại đặc sản 'đen sì', xưa rẻ bèo giờ có tiền cũng khó mua
Giá của loại đặc sản này chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg nhưng phải đặt trước mới có.
Loại đặc sản được ví như “vàng đen” ở Phú Thọ chính là quả cọ. Một tháng trở lại đây, những người kinh doanh online xuất thân từ vùng quê này bỗng tất bật đi vào từng nhà ở vùng nông thôn để tìm mua quả cọ bán cho khách hàng ở thành phố.
Anh Nguyễn Thuận (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, trước đây quả cọ nhiều, muốn ăn chỉ cần vác cây sào lên đồi cọ, một lúc là mang về cả bao tải. Tuy nhiên, chục năm gần đây, mọi người phá cọ để trồng các loại cây ăn trái khác hoặc xây dựng nhà cửa, công trình, khu công nghiệp nên quả cọ khan hiếm.
Quả cọ không phải ở cây nào cũng ngon, thậm chí quả ở nhiều cây cọ còn không thể ăn nổi vì chát, sượng. Chính vì vậy, quả cọ lại càng hiếm có khó tìm hơn trước.
Anh Thuận cho biết, khi tìm được cây cọ có quả phải tách cùi ra nếm thử, nếu cùi dày, màu sắc vàng đều và có chút vị ngậy ẩn sâu bên trong vị đắng chát là cọ ngon. Loại này “ỏm” lên chắc chắn là “mỹ vị nhân gian”.
“Ỏm” cọ là thuật ngữ địa phương, chỉ cách chế biến riêng đối với quả cọ.
Quả cọ sau khi thu hoạch sẽ được làm sạch lớp vỏ sành bằng cách cho vào rổ che hoặc sọt, bỏ thêm vào que nan tre ngắn, mảnh bát vỡ hoặc mảnh sọ dừa vỡ rồi lắc đều. Sau khi thực hiện thao tác này, vỏ sành màu xanh đen bên ngoài sẽ bong ra hết, để lộ phần cùi quả cọ có màu nâu vàng.
Tiếp theo là “ỏm” cọ. Nước sạch được đun lên tới nhiệt độ khoảng 80 độ C. Theo kinh nghiệm dân gian thì nước chỉ cần sủi tăm, không cần sôi hẳn là tắt bếp, đổ cọ đã cạo vỏ sành vào ngâm chừng 10 phút. Toàn bộ quá trình này gọi là “ỏm” cọ.
Nhiệt độ phải ở mức phù hợp thì quả cọ mới chín. Nếu nước chưa đủ nóng thì cọ sẽ không chín. Còn nếu nước quá nóng, quả cọ sẽ bị cứng lại, không ăn được.
[tinmoi]
“Khi chín, phần cùi cọ sẽ ngả sang màu vàng mỡ gà, mềm và thơm ngậy. Nếu trong nước “ỏm” cọ xuất hiện váng màu vàng như váng mỡ gà thì những quả cọ ấy đặc biệt ngon, chắc chắn là hàng thượng hạng” , anh Tuấn cho biết.
Ngoài cách trên, quả cọ cũng có thể chế biến bằng cách đồ xôi hoặc muối giống như cách muối cà muối sổi.
Trước đây, khi cọ còn nhiều, người ăn cọ chủ yếu là người dân bản địa và các khu vực lân cận nên giá cọ rất rẻ chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhưng giờ đây, dân buôn đang rao bán cọ trên chợ mạng với giá khoảng 90.000 – 120.000 đồng/kg. Nhưng vì không phải lúc nào cũng có quả cọ ngon nên nhiều người phải đặt trước sau đó “chờ vận may” của mình. Nếu gặp được cây cọ ngon thì dân buôn mới có hàng đem bán.
Anh Thuận cho hay: “Mỗi cây cọ khoảng 2-3 buồng chỉ được 10 – 15kg quả. Nhiều khi không dám giữ lại để ăn vì sợ không đủ hàng để trả cho khách” .
Người đàn ông này nhẩm tính, từ đầu mùa cọ, anh đã bán được khoảng 1 tạ, trừ hết chi phí cũng lãi được khoảng 3 triệu đồng. Hiện tại anh đã phải đi sang những huyện khác để tìm mua cọ ngon, rồi gửi xe bán cho người thành phố.
Ngoài ở Phú Thọ, ở Yên Bái, Thanh Hóa… cũng có nhiều người vào rừng hái cọ mang về bán online. Anh Nguyễn Linh, trú tại Như Xuân (Thanh Hoá) cho biết, mỗi cân quả cọ anh đang bán với giá 110.000 đồng.
“Cọ càng ngày càng hiếm do dân chặt làm nương rẫy gần hết. Quả cọ năm nay do thay đổi thời tiết nên mất mùa, cả khu rừng cọ được tầm chục cây có quả, còn lại rụng hết” , anh Linh nói.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, quả cọ được sử dụng nhiều làm món ăn vì có hàm lượng dinh dưỡng cao. Cọ chứa 70% vitamin E ở dạng Tocotrienol, có hoạt tính sinh học cao gấp gần 60 lần vitamin E thông thường. Hàm lượng vitamin A ở quả cọ cao gấp 15 lần cà rốt.
Ngoài ra, quả cọ còn chứa chất béo bão hòa, chất béo không bão hoà đơn và chất béo không bão hoà đa, chứa các thành phần khác như este, axit lauric, capric, squalene, phenolic, axit oleic, hydrogenated palm, elaeis guineensis, calo…giúp chống oxy hóa, kháng khuẩn cao, tăng cường sức khoẻ mắt, đảm bảo sự ổn định của hệ thần kinh và giữ cho huyết áp ở mức cân bằng.
Theo cafef
- Chia sẻ: