Kinh tế thế giới, Trung Quốc và Việt Nam bị tác động thế nào vì dịch nCoV
- Chia sẻ:
Kinh tế thế giới, Trung Quốc và Việt Nam bị tác động thế nào vì dịch nCoV cùng xem các chuyên gia nhận định.
Kinh tế thế giới, Trung Quốc và Việt Nam bị tác động thế nào vì dịch nCoV ? TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng các tác động tiêu cực chủ yếu sẽ diễn ra trong quý 1 và quý 2 năm 2020; khi mà dịch bệnh được dự báo là cao điểm, lắng xuống và có độ trễ sau đó.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng Corona mới (2019-nCoV) đã trở thành đại dịch tại Trung Quốc đang lây lan tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 43.099 ca nhiễm và 1.018 ca tử vong, theo công bố của WHO, tính đến hết ngày 10/2/2020.
Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, chung đường biên giới, có sự giao thương kinh tế, thương mại, du lịch và đi lại rất lớn; đồng thời, miền Bắc Việt Nam cũng có điều kiện khí hậu, thời tiết tương đồng với nhiều địa phương của Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam được các tổ chức y tế đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nCoV.
Đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nCoV, Đảng và Chính phủ đã sớm có những chính sách, biện pháp khẩn trương, quyết liệt, kịp thời; các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực ứng phó. Về cơ bản, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng diễn biến rất phức tạp và khó lường.
Trong bối cảnh của dịch bệnh hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch nCoV tới kinh tế thế giới, Trung Quốc (tâm dịch); và kinh tế Việt Nam cùng các giải pháp kiến nghị. Báo cáo này thể hiện quan điểm, nhận định của Nhóm chuyên gia nghiên cứu, không phải là đại diện hay quan điểm của Tổ chức.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu phần 1 của báo cáo – Đánh giá tác động đối với kinh tế thế giới, Trung Quốc và một phần đối với Việt Nam – để quý độc giả cùng theo dõi.
Tác động đối với kinh tế thế giới và Trung Quốc
Dịch bệnh nCoV xảy ra vào thời điểm đầu năm 2020 và cũng là dịp nghỉ Tết của người dân Trung Quốc và một số quốc gia châu Á đã gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của các nước, điển hình là Trung Quốc, nhất là trong 8 lĩnh vực: y tế và nguồn nhân lực, du lịch, giao thông vận tải, bán lẻ (tiêu dùng của người dân), ngoại thương, đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), các ngành sản xuất theo chuỗi, và dịch vụ tài chính. Tác động tiêu cực này chủ yếu sẽ diễn ra trong quý 1 và quý 2 năm 2020; khi mà dịch bệnh được dự báo là cao điểm, lắng xuống và có độ trễ sau đó.
Còn khá sớm để đánh giá đầy đủ về tác động của dịch nCoV đối với kinh tế thế giới, nhưng theo một số nghiên cứu gần đây (Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS…v.v.), dự báo dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % năm 2020, tùy thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh (do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu).
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm từ 1-1,5 điểm % năm 2020 (xuống mức tăng trưởng khoảng 4,5-5% năm nay, trong khi Chính phủ Trung Quốc dự báo dịch nCoV khiến kinh tế Trung Quốc giảm 0,3 điểm %, xuống còn 5,8% năm 2020); trong khi một số tổ chức khác như Citibank, Mizuho, Moody’s dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay khoảng 5-5,5% (giảm 0,3-0,8 điểm % so với dự báo trước đó). Trong đó, các lĩnh vực chịu tác động mạnh là: dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch – lữ hành – khách sạn, dịch vụ giao thông – vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), thương mại, đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), chuỗi sản xuất – cung ứng và dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Tác động đối với nền kinh tế Việt Nam
Tuy Việt Nam đã có 15 bệnh nhân nhiễm virus nCoV, song chưa có trường hợp tử vong, 6 ca đã xuất viện; tình hình an ninh – trật tự xã hội được đảm bảo, người dân bình tĩnh và thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan y tế và các đơn vị chức năng, nên về cơ bản, tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát.
Bên cạnh những tác động nhất định đến xã hội như gây xáo trộn cuộc sống, học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người; tác động của dịch nCoV đối với kinh tế Việt Nam được phân tích chủ yếu ở 8 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều: (i) dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, (ii) du lịch – lữ hành – khách sạn, (iii) dịch vụ giao thông – vận tải, (iv) bán lẻ (tiêu dùng giảm), (v) ngoại thương, (vi) đầu tư, (vii) chuỗi sản xuất – cung ứng, và (viii) dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Về chi phí y tế và nguồn nhân lực: Khi xảy ra dịch bệnh, đặc biệt khi Việt Nam chính thức công bố dịch bệnh ngày 1/2/2020; chi phí trực tiếp cho công tác phòng, chống, chữa trị chắc chắn sẽ rất lớn khi toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân…v.v đều phải giành nguồn lực (cả về tài chính, con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị) cho công tác này.
Những chi phí chủ yếu gồm trang thiết bị y tế, đồ dùng vệ sinh – bảo vệ sức khỏe cá nhân, bảo hiểm y tế, dịch vụ phòng và chữa bệnh, cơ sở vật chất cách ly, chi phí tài chính cho nguồn nhân lực y tế tăng ca, truyền thông, giảm thuế cho việc nhập khẩu thiết bị y tế chống dịch…v.v. Ngoài ra, chi phí vô hình khác chính là tâm lý lo âu, e sợ, nếu chúng ta không làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền một cách chính xác và phù hợp. TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện đào tạo BIDV ước tính chi phí y tế và các hoạt động cho công tác phòng, chống dịch bệnh có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Với nguồn nhân lực, đến thời điểm này, số lượng người bị nhiễm là 15, chưa có người tử vong và lượng người bị cách ly khoảng trên 1.000, cùng với việc các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhiều hình thức làm việc linh hoạt (làm việc tại nhà, họp và đào tạo trực tuyến, làm bù ngoài giờ…v.v.), nên mức độ ảnh hưởng chưa đáng kể. Tuy nhiên, một số chuyên gia và công nhân nước ngoài (nhất là người Trung Quốc) đang làm việc tại Việt Nam vẫn chưa thể quay lại làm việc hoặc bị cách ly đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Tác động đến lĩnh vực du lịch – lữ hành – khách sạn: Lĩnh vực du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch nCoV một cách trực tiếp và rõ nét nhất, cả về du lịch quốc tế (khách Trung Quốc đến Việt Nam và khách Việt Nam du lịch Trung Quốc, khách du lịch Châu Á), cũng như du lịch nội địa.
Về du lịch quốc tế, thu từ khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng 6,1% GDP Việt Nam (2019); trong đó khách du lịch Trung Quốc đóng góp khoảng 32,2%. Trung Quốc là nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, trong đó 70% sử dụng hình thức vận tải hàng không. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc thăm Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt khách, chiếm tới 40,36% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam.
Trong tháng 1/2020, ngành du lịch Việt Nam chưa chịu tác động từ dịch nCoV và vẫn tăng trưởng khả quan; với lượng khách Trung Quốc đạt 644,7 nghìn lượt (chiếm 33% tổng lượng khách quốc tế), tăng hơn 15% so với tháng 12/2019 và tăng 72,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dự kiến lượng khách Trung Quốc và một số nước châu Á du lịch Việt Nam và du khách Việt Nam sang các nước trong khu vực sẽ giảm mạnh từ tháng 2/2020 khi từ ngày 28/01/2020, Chính phủ Trung Quốc và nhiều nước đã đình chỉ nhiều hoạt động du lịch và các tour du lịch nước ngoài của công dân nước mình; cũng như những lo ngại, hạn chế du lịch của bản thân người dân và khách du lịch đối với dịch nCoV. Vì vậy, bên cạnh sự suy giảm mạnh của lượng khách Trung Quốc, dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giảm từ tháng 2/2020 và có thể đến hết quý 2/2020.
Ở chiều ngược lại, lượng khách Việt Nam du lịch Trung Quốc đạt khoảng 6,5 triệu lượt trong số gần 10 triệu người Việt du lịch nước ngoài (trong đó, khoảng 80% đi du lịch châu Á – theo ASEAN Travel). Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch nCoV của Trung Quốc, Việt Nam và các nước Châu Á sẽ ảnh hưởng không chỉ tới doanh thu du lịch từ khách Trung Quốc và Châu Á mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động doanh nghiệp du lịch lữ hành của Việt Nam (đặc biệt với các doanh nghiệp có thị trường trọng tâm là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản)… do bị hoãn, hủy hoặc không đăng ký thêm tour và khách du lịch sang các nước này. Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực chịu tác động tiêu cực về du lịch, khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong trường hợp lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới.
Ngoài doanh thu từ du khách nước ngoài bị ảnh hưởng, nguồn thu từ du khách trong nước cũng sẽ sụt giảm mạnh, khi Chính phủ có Chỉ thị tạm dừng và hạn chế nhiều hoạt động lễ hội (khoảng 8.000 lễ hội/năm, theo Bộ VH-TT-DL), các sự kiện tập trung đông người. Do đó, dịch nCoV sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề phục vụ lễ hội (ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành…v.v.), từ đó ảnh hưởng nhất định tới lĩnh vực du lịch trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung trong ngắn hạn.
Tác động đến lĩnh vực giao thông vận tải: Cùng với ngành du lịch, ngành giao thông vận tải (nhất là nhóm các nhà cung cấp dịch vụ vận tải liên quan đến ngành du lịch) sẽ chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh nCoV. Xét theo loại hình vận tải, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 70%) năm 2019 (theo Tổng cục Du lịch).
Ngoài ra, một số loại hình giao thông vận tải khác như vận tải đường bộ, đường sắt… cũng chịu tác động tiêu cực khi hoạt động thương mại và du lịch giảm sút (như đã phân tích ở trên), các doanh nghiệp, người dân hạn chế đi lại, giao thương, du hành, lễ hội. Bên cạnh đó, người dân cũng có tâm lý e ngại, hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng như xe khách, xe bus, tàu điện… nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, lữ hành.
Đối với ngành hàng không (doanh thu khoảng 200 nghìn tỷ VND, đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 0,1%), đây là ngành chịu tác động tiêu cực trực tiếp và rõ nét nhất, dự báo sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của ngành giảm mạnh trong quý 1, quý 2 và cả năm 2020 – tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Tác động đến ngoại thương: Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK của hai nước năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), xuất khẩu 41,41 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó giá trị của hàng sản xuất trong nước chiếm 55,5%) và nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 34,04 tỷ USD. Tuy nhiên, thương mại hai nước Việt – Trung quý 1, quý 2 và cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng khi từ 29/01/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch nCoV.
Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng nông – thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 20%) tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, khi giao dịch biên mậu bị hạn chế do các qui trình, thủ tục cần áp dụng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; hoặc khi dịch bệnh lắng dịu, hai nước có thể sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, siết chặt thương mại biên giới, hạn chế giao thương tiểu ngạch; đồng thời bổ sung một số quy định mới về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nguyên liệu, thực phẩm, kiểm dịch…; hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông-lâm-thủy sản… sẽ còn khó khăn. Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những nước khu vực Châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm %GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.
Theo chiều ngược lại, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, rất nhiều hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tương tự, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo cho Việt Nam, đạt lần lượt 3,23 tỷ USD (chiếm 30,6% tổng kim ngạch mặt hàng này) và 3,99 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng kim ngạch mặt hàng này). Điều này cho thấy một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực (nhất là trong quý 1 và quý 2/2020) do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng (trong khi tồn kho và nguồn thay thế còn hạn chế).
Tác động đối với hoạt động bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) trong nước: dự báo dịch bệnh nCoV sẽ có tác động hai chiều, tuy nhiên tác động tiêu cực nhiều hơn. Thứ nhất, dịch bệnh sẽ tác động đến tâm lý của người dân, theo đó người dân sẽ có xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân (tương đương 74% GDP của Việt Nam năm 2018) dự báo sẽ giảm trong ngắn hạn. Thứ hai, dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình khi các lễ, hội, tụ tập bị dừng tổ chức hoặc thu hẹp quy mô, đặc biệt là sau dịp Tết; trong đó có nhiều lễ hội thu hút hàng triệu khách du lịch. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề dịch vụ, kinh doanh phục vụ trực tiếp lễ hội (ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành…v.v), từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ.
Tác động đến đầu tư nước ngoài: Tác động đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần nhìn nhận ở hai khía cạnh. Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong 17 ngành Trung Quốc có đầu tư ở Việt Nam, nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 54% tổng số dự án; trong đó ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất 54%, sản xuất điện-khí nước-điều hòa 26%). Về địa bàn đầu tư, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại 22/28 tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa 2 nước.
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong sản xuất và điều hành dự án, doanh nghiệp. Việc những lao động này đang bị hạn chế trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết do các biện pháp phòng lây lan dịch nCoV có tác động trực tiếp đến các dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, cũng như thu nhập và đời sống của người lao động trong dự án, doanh nghiệp liên quan.
Thứ hai, dịch nCoV cũng có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới bởi quan ngại dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung (mặc dù Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh nCoV, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống bệnh này, và Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh). Tuy nhiên, tác động tích cực này sẽ chủ yếu xảy ra trong trung hạn. Tính chung lại, thu hút FDI năm 2020 vẫn có thể tăng (khoảng 5%), thấp hơn 2,2 điểm % so với năm 2019.
Tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng: Dịch nCoV tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở hai khía cạnh. Một là, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhiều ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất – chế biến nông sản, ô tô – xe máy, sắt – thép, lọc hóa dầu, bán lẻ…(đều là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo việc nhiều làm của Việt Nam), đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, do thiếu nguồn cung đầu vào cũng như xuất khẩu đầu ra bị nghẽn, bị giảm.
Hai là, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc các ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng tương tự. Một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda….v.v. gặp phải 2 khó khăn lớn: (i) thiếu nguồn cung đầu vào nhập từ Trung Quốc, và (ii) thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ Trung Quốc. Những tác động này là khá lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, việc làm và tiêu dùng của Việt Nam.
Tác động đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng: Tại Việt Nam, những biến động đầu tiên đã được ghi nhận trên TTCK và thị trường ngoại hối. Lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với yếu tố tâm lý sau kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng khoán những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 diễn biến trầm lắng, tâm trạng chờ đợi bao phủ toàn thị trường. Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng (tính đến hết ngày 10/2/2020 tỷ giá trung tâm tăng 0,24%, tỷ giá giao dịch tăng 0,3% so với đầu năm).
Đối với TTCK, các nhà đầu tư đã có những lo ngại đối với dịch nCoV tác động tới kinh tế Việt Nam, khi VNIndex sụt giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết (ngày 30 và 31/1), giảm 5,53% so với trước thời điểm nghỉ Tết (cũng là quãng thời gian Chính phủ và các cơ chức năng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt ứng phó với dịch nCoV). Trong tuần từ 3-7/2/2020, VNIndex tăng giảm đan xen, với biên độ hẹp hơn, mặc dù có lúc sụt giảm mạnh qua mốc 900 điểm (trong phiên ngày 3/2). Đến hết ngày 10/2/2020, VNIndex đóng cửa ở mức 930,73 điểm, giảm 3% so với mức đầu năm 2020 (960 điểm).
Riêng tác động của dịch nCoV đến hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khách hàng và bản thân ngân hàng. Theo đó, dự báo dịch bệnh nCoV sẽ tác động ở 3 khía cạnh quan trọng: (i) cầu tín dụng giảm, do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý 1 và quý 2; (ii) tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn; (iii) nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…v.v. Các TCTD cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số TCTD đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa./.
- Chia sẻ: