Khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 20.000 tỷ đồng từ đầu năm, vượt xa lượng bán ròng trong cả năm 2020
- Chia sẻ:
Khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 20.000 tỷ đồng từ đầu năm, vượt xa lượng bán ròng trong cả năm 2020 - Tin tức cập nhật bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 20.000 tỷ đồng từ đầu năm, vượt xa lượng bán ròng trong cả năm 2020
Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, VNM là cái tên dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 6.078 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là HPG, CTG, VPB…
Số liệu từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE) cho biết, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 20.464 tỷ đồng trên HoSE, vượt xa con số bán ròng 15.741 tỷ đồng trong cả năm 2021. Trong đó, riêng tuần giao dịch vừa qua (10-14/5), khối ngoại đã bán ròng gần 3.600 tỷ đồng và là tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay.
Khôi ngoại bán ròng kỷ lục trong 5 tháng đầu năm
Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, VNM là cái tên dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 6.078 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng giảm khoảng 17% so với thời điểm đầu năm và hiện đang ở mức giá thấp nhất từ tháng 8/2020. Có lẽ lo ngại áp lực cạnh tranh mạnh trong ngành sữa cùng với sự giảm tốc trong hoạt động kinh doanh của VNM trong những năm gần đây đã khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu này.
Xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại là HPG với giá trị 5.937 tỷ đồng, trong đó có vai trò không nhỏ từ cổ đông ngoại Penm. Dù vậy, HPG vẫn có nhịp tăng khá mạnh khoảng 50% từ đầu năm tới nay trong bối cảnh giá thép tăng “phi mã”.
Bộ đôi cổ phiếu ngân hàng CTG, VPB cũng bị khối ngoại bán ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 5.440 tỷ đồng và 2.088 tỷ đồng, tuy vậy cả 2 cổ phiếu này vẫn bứt phá mạnh và đồng loạt vượt xa đỉnh cũ.
Top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm còn có sự hiện diện của 2 “ông lớn” trong ngành ngân hàng là VCB (-1.516 tỷ đồng), BID (-1.212 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bộ đôi cổ phiếu ngành năng lượng POW, GAS cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 1.631 tỷ đồng và 970 tỷ đồng.
Với trường hợp của POW, có lẽ nhiều quỹ ngoại mua vào từ đầu năm 2018 đã đẩy mạnh bán ra trong bối cảnh cổ phiếu này đã có nhịp hồi phục khá tốt từ cuối năm 2020.
Ở chiều ngược lại, FUEVFVND (chứng chỉ quỹ VFM VNDiamond ETF) được mua ròng mạnh nhất với giá trị 4.119 tỷ đồng.
Với lợi thế danh mục gồm nhiều cổ phiếu hết room, FUEVFVND đã được nhiều quỹ ngoại ưu tiên lựa chọn. Trong đó, Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại lớn nhất trên TTCK Việt Nam đã đẩy mạnh “gom” FUEVFVND và đây cũng là khoản đầu tư lớn thứ 2 của quỹ với giá trị khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.830 tỷ đồng).
[tinmoi]
Bên cạnh FUEVFVND, các ETFs khác như FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) và E1VFVN30 (chứng chỉ VFM VN30 ETF) cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 750 tỷ đồng và 525 tỷ đồng. Lượng mua ròng ETFs từ đầu năm tới nay có dấu ấn không nhỏ từ các nhà đầu tư Thái Lan.
Bộ đôi VIC, VHM cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 1.535 tỷ đồng và 1.413 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG cũng được khối ngoại mua ròng 1.535 tỷ đồng ngay khi “hở room” do phát hành ESOP.
Nhà đầu tư nội đẩy mạnh “gom” cổ phiếu, đưa VN-Index vững vàng trên mốc 1.200 điểm
Bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, TTCK Việt Nam vẫn bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch 14/5, chỉ số VN-Index dừng tại 1.266,36 điểm, tương ưng mức tăng gần 15% so với đầu năm.
VN-Index tăng mạnh bất chấp khối ngoại bán ròng kỷ lục
Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường là các nhà đầu tư trong nước. Số liệu từ VSD cho biết trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020).
Nhà đầu tư trong nước “cân” lại áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc (1) Lãi suất huy động đang ở mức thấp; (2) Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9; (3) Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới; (4) Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực và (5) Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới.
Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Dòng tiền từ các nhà đầu tư “F0” đã góp phần quan trọng giúp VN-Index vững vàng trên mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường cũng duy trì mức rất cao với giá trị giao dịch các phiên thường ở mức 20.000 tỷ đồng.
Theo cafef
- Chia sẻ: