Đột phá từ đường sắt tốc độ cao
- Chia sẻ:
Đột phá từ đường sắt tốc độ cao - Tin nhanh được đăng bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Đột phá từ đường sắt tốc độ cao
Đường sắt tốc độ cao được đánh giá an toàn, có tính cạnh tranh với hàng không giá rẻ và vận tải ô tô ở cự ly ngắn 500 – 1.500 km. Dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải hành khách của đường sắt khoảng 120 triệu lượt/năm, với nhiều lợi thế, đầu tư xây dựng và phát triển đường sắt tốc độ cao đang được kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách tăng cao trong tương lai.
Nhu cầu cấp thiết
Vận tải hành khách, hàng hóa Bắc Nam hiện có đầy đủ 5 phương thức vận tải: Hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng hải. Thống kế của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, về hàng hóa, vận tải hàng hải và ven biển đang đảm nhận phần lớn nhu cầu trên trục Bắc Nam do có nhiều lợi thế, chi phí thấp (khối lượng 133 triệu tấn/năm, chiếm hơn 48%).
Tuy nhiên, vận tải hành khách đang có sự mất cân đối. Nếu như đường bộ chiếm gần 63%, hàng không chiếm 36,6%, đường sắt chỉ chiếm khoảng 0,5 – 1% thị phần, nhưng không tăng.
Còn theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), cự ly cạnh tranh trong vận tải hành khách của đường sắt hiện nay hẹp, chủ yếu chỉ khoảng 300 – 400 km, vận tải hàng hóa là 500 – 800 km. Đơn cử, với chặng Hà Nội – Thanh Hóa khoảng 150 km, đa phần hành khách sẽ chọn đi ô tô, còn chặng Hà Nội – Đà Nẵng hơn 700 km, hành khách sẽ chọn đi máy bay. Đối với vận tải hàng hóa, đa phần doanh nghiệp sẽ chọn đi vận tải thủy nội địa có giá rẻ hơn đường sắt, với mức giá khoảng 20 triệu đồng so với khoảng 30 triệu đồng/container…
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có tuyến đường sắt tốc độ cao, vận chuyển khối lượng lớn, an toàn, rút ngắn thời gian vận chuyển… để đáp ứng.
Nhiều chuyên gia giao thông đưa ra nhận định, mức thu nhập bình quân đầu người tại nhiều quốc gia khoảng 7.500 USD/người/năm là có thể đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.163 USD, năm 2023 đạt khoảng 4.300 USD, dự kiến sẽ đạt hơn 7.000 USD vào năm 2030. Đây là điều kiện khả thi để đầu tư đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong cự ly một giờ, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm tập trung dân số ở đô thị khi đưa ra so sánh, nếu một người từ Ninh Bình có thể đi đường sắt tốc độ cao đến Hà Nội làm việc và tối trở về nhà, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần cơ cấu lại đô thị, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Chưa kể, đường sắt tốc độ cao sẽ cạnh tranh với hàng không giá rẻ, khi vận tải cự ly 500 – 1.500 km có mức giá hợp lý chỉ bằng khoảng 70% giá vé máy bay…
[tinmoi]
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đang tập trung khảo sát tại các quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển để nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp kinh nghiệm, sớm đầu tư trong nước.
Kỳ vọng
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ, chiều dài toàn mạng lưới đường sắt hiện có hơn 3.000 km đang có 85% là khổ đường hẹp (1.000 mm), trong đó, lối đi tự mở có hơn 3.300 vị trí, đang khiến năng lực thông qua hạn chế. Đường sắt hiện cũng thiếu tính kết nối với các khu ga hành khách và với phương tiện vận tải khác, dẫn đến phải trung chuyển, gom hàng về đầu mối nhiều, nên giá cước vận chuyển đường sắt từ ga đến ga còn cao.
“Thời gian qua, ngành Đường sắt đã chủ động đổi mới dịch vụ, khai thác các đoàn tàu khách chất lượng cao, đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu nội địa, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác. Riêng giai đoạn 2010 – 2019, khi tốc độ tăng trưởng của đường bộ là 8,56%, hàng không gần 16%, tăng trưởng đường sắt chỉ ở mức khiêm tốn”, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Về kịch bản phát triển, tuyến đường phải phù hợp với xu thế thế giới, đạt tốc độ thiết kế 350 km/ giờ và trở thành trục “xương sống” theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Về cơ chế chính sách đặc thù, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.
Theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 – 2030 đoạn Hà Nội – Vinh, TP Hồ Chí Minh – Nha Trang. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thông tin về tình hình nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao, theo quy hoạch của Bộ GTVT, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 1.545 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Theo cafef
- Chia sẻ: