Doanh nghiệp ứng phó với nạn thiếu chip toàn cầu
- Chia sẻ:
Doanh nghiệp ứng phó với nạn thiếu chip toàn cầu - Tin hôm nay đăng bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Doanh nghiệp ứng phó với nạn thiếu chip toàn cầu
Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam ít nhiều bị cuốn theo cơn sốt thiếu chip toàn cầu và đang xoay xở để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn
Chip có mặt trong hầu hết thiết bị điện tử, công nghệ từ thẻ căn cước công dân mới, thẻ ATM, các thiết bị điện tử gia dụng phổ biến như tivi, tủ lạnh, bếp điện từ, nồi cơm điện tử, thiết bị âm thanh hoặc dùng trong sản xuất ôtô… Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn, nguồn cung chip phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài, dẫn đến hầu như 100% doanh nghiệp (DN) sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.
Nguy cơ cắt giảm công suất sản xuất
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công (TC Motor) Việt Nam, cho rằng xung đột Mỹ – Trung giữa một bên nắm công nghệ và một bên nắm nguyên liệu đã ảnh hưởng đến sản xuất chip toàn cầu. Từ đó, kéo theo tác động không nhỏ đến tất cả ngành nghề sản xuất cần đến chip, trong đó có sản xuất ôtô. Thừa nhận DN của mình bị ảnh hưởng đáng kể từ cơn sốt chip thời gian qua, ông Lê Ngọc Đức cho hay nhà máy của ông dự kiến cắt giảm 20% công suất trong tháng 5 này và có nguy cơ cắt giảm tương tự trong các tháng tiếp theo.
“Hiện hoạt động sản xuất của chúng tôi ăn đong từng tuần, chứ không có kế hoạch dài hạn được. Cứ khi nào chip về thì sản xuất, không có chip thì phải tạm dừng. Hầu hết các mẫu xe đều bị ảnh hưởng. Hậu quả là công ty vừa thiếu hàng để bán ra thị trường vừa bị tồn kho lớn do các linh kiện khác nhập về không đưa được vào sản xuất” – ông Đức than thở.
Ông Trần Việt Hải, Tổng Giám đốc BKAV Electronic – Tập đoàn công nghệ BKAV, đánh giá cuộc khủng hoảng chip toàn cầu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhà sản xuất ở các quy mô khác nhau và có thể kéo dài sang năm 2022. Nguyên nhân do nhu cầu vượt quá khả năng cung ứng của các nhà sản xuất chip, trong khi việc xây dựng thêm nhà máy đúc chip cần thời gian và mức đầu tư rất lớn nên khó có thể xử lý vấn đề trong ngày một ngày hai.
“Các thiết bị điện tử BKAV đang sản xuất bao gồm smartphone, các thiết bị nhà thông minh. Năm 2021, chúng tôi mở rộng sản xuất các sản phẩm camera AI, tai nghe không dây; dự kiến tổng sản lượng tăng 3-4 lần so với năm 2020 nên có nhu cầu lớn về chip cũng như linh kiện điện tử trong thời gian tới” – ông Việt Hải thông tin.
Ông Hải cũng cho biết BKAV là nhà sản xuất gốc, làm việc trực tiếp với các hãng cung cấp chip như Qualcomm, Intel, Samsung, SKHynix cũng như các đối tác cung ứng linh kiện Excelpoint, Future, Avnet, Arrow. Qua quá trình làm việc, DN này nhận thấy dấu hiệu khan hiếm linh kiện màn hình LCD khi chi phí liên tục tăng vào khoảng giữa năm ngoái. Tiếp đến, tháng 9-2020, các nhà cung ứng chip gửi báo cáo cho BKAV về việc tăng thời gian giao hàng tiêu chuẩn cho các mặt hàng chip xử lý, chip nhớ, chip quản lý nguồn do các nhà máy đúc chip bị quá tải đơn hàng.
Các chip tiến trình từ 45 nm trở lên không còn nguồn cung, giá tăng 5-7 lần. Các nhà máy sản xuất chip tối đa hóa lợi nhuận, tập trung sản xuất các dòng chip tiến trình dưới 10 nm có giá trị gia tăng cao. Đến cuối năm 2020, tất cả nhà sản xuất chip và các nhà cung ứng linh kiện đều báo cáo về việc khan hiếm, đồng thời cảnh báo thời gian giao hàng tiêu chuẩn lên đến 10 tháng.
“Trước nay, BKAV thường nhập dự trữ linh kiện từ 20-28 tuần nên trong ngắn hạn, tình trạng khủng hoảng chip toàn cầu chưa bị ảnh hưởng lớn. Trong dài hạn, chúng tôi đã lên các phương án ứng phó gồm đa dạng hóa nguồn cung linh kiện, chuyển đổi thiết kế sang các linh kiện an toàn về nguồn cung, đàm phán chiến lược với các nhà sản xuất để cùng tháo gỡ” – ông Hải nêu giải pháp của BKAV.
[tinmoi]
Phân xưởng sản xuất chip LED của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: THANH NHÂN
Đi tìm giải pháp căn cơ
Cho rằng đang có hiện tượng làm giá chip trên thị trường quốc tế, nhất là tại 2 “chợ” chip lớn nhất hiện nay là Hồng Kông và London, ông Lê Văn Chính, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Sơn Ca (chuyên ngành sản xuất thiết bị âm thanh), nhìn nhận nhiều nhà sản xuất vẫn đang tồn kho lượng lớn chip. “Chỉ một số loại chip đang thiếu thật sự, nhà bán hàng thông báo phải 9-12 tháng nữa mới có hàng giao dù DN đã thanh toán đủ tiền mua; nhóm này đa phần dùng trong sản xuất máy vi tính và điện thoại. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm chip “ăn theo” đang bị đầu cơ, giá tăng gấp rưỡi – gấp đôi so với trước và có thể giao hàng trong vòng vài tuần” – ông Chính phân tích và nói thêm thực chất của việc thiếu chip không hoàn toàn nằm ở nguồn cung chip xử lý không đủ cầu mà còn do thiếu tấm wafer để in chip. Dù vậy, trước diễn biến chung, ban tổng giám đốc Công ty Sơn Ca vừa họp bàn và đi đến quyết định đặt cọc số tiền lớn cho đơn hàng chip sắp tới. “Chúng tôi phải bỏ ra mấy trăm ngàn USD để đặt cọc vì nếu không đặt cọc thì từ đây đến Tết sẽ thiếu chip để sản xuất. Biết là mặt hàng này đang bị làm giá nhưng diễn biến chung của thị trường, DN buộc phải theo” – ông Chính bày tỏ.
Theo tính toán của các DN, với sản xuất tivi, chi phí chip thường chiếm khoảng 5% giá thành; nếu tính giá chip tăng gấp đôi thì giá thành tivi sẽ tăng 5% cộng với giá sắt, thép, nhựa… cũng đã tăng 3%-5% khiến giá thành sản xuất bị đội lên. “Đúng là nguồn cung chip đang bị nghẽn, giá tăng đột biến nhưng nếu DN chấp nhận trả giá cao thì vẫn mua được hàng từ những nhà đầu cơ. Câu chuyện còn lại là khách hàng có chấp nhận chia sẻ chi phí tăng thêm với nhà sản xuất không, thị trường có chấp nhận không” – tổng giám đốc một DN điện tử nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP HCM, cho rằng cuộc khủng hoảng chip đang tác động mạnh đến các nhà sản xuất lớn, có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, Intel hơn là các DN lĩnh vực vi mạch bán dẫn, điện tử Việt Nam. Điển hình như các DN hội viên Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn đa phần quy mô vừa và nhỏ, lượng chip sử dụng không nhiều nên linh động xoay xở, tìm mua nguồn chip dự trữ hoặc chuyển sang gom hàng của những nhà sản xuất nhỏ. “Hiện các nhà máy sản xuất chip và tấm wafer đang tập trung nhân công để chạy hết công suất nên khả năng cơn khủng hoảng thiếu hụt này sẽ không kéo dài quá năm 2022. Tuy nhiên, trước mắt giá chip tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của nhiều DN Việt” – ông Tuấn nhận định đồng thời cho biết hầu hết DN công nghệ Việt đang gia công thiết kế chip chứ chưa thể sản xuất 1 con chip hoàn chỉnh. Về lâu dài, đầu tư sản xuất chip trong nước mới là giải pháp căn cơ để giảm phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu, dù đây là câu chuyện rất dài và không dễ.
Một số ít DN tiên phong trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đã bước đầu sản xuất chip, hoàn thiện từ khâu sản xuất đến khâu thị trường nhưng quy mô hạn chế, sản lượng còn khiêm tốn, chủ yếu phục vụ sản xuất trong nội bộ DN. Đơn cử, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất chip LED SMD với các công suất 0,2 W, 0,5 W, 1 W đủ đáp ứng sản xuất đèn LED trong công ty cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Lo ngại tăng giá ôtô
Ông Lê Ngọc Đức dự đoán tình trạng thiếu hụt chip sẽ còn kéo dài và khó cải thiện trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân bởi dù một số công ty công nghệ đã có kế hoạch đưa vào sản xuất chip, như Samsung đầu tư nhà máy chip ở Mỹ, song việc này cần nhiều thời gian, không thể mang lại hiệu quả tức thì. Với tình trạng thiếu chip kéo dài như hiện nay, không loại trừ khả năng sẽ khan hiếm xe được sản xuất và đưa ra thị trường nên giá xe sẽ tăng.
Theo cafef
- Chia sẻ: