Bài toán tài chính hóc búa với bầu Đức khi 1 lần nữa đặt cược vào chăn nuôi là gì?
- Chia sẻ:
Bài toán tài chính hóc búa với bầu Đức khi 1 lần nữa đặt cược vào chăn nuôi là gì? - Tin vừa cập nhật bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Bài toán tài chính hóc búa với bầu Đức khi 1 lần nữa đặt cược vào chăn nuôi là gì?
Có thể thấy lần thất bại của mô hình nuôi bò trước đó đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là do vấn đề tài chính. Lần này, với con heo, gà và hệ thống Bapi Foods, có lẽ HAGL tiếp tục phải giải bài toán này. Với tham vọng của bầu Đức từ nay đến cuối năm sau là mở 1.000 cửa hàng, kèm với 1 triệu con heo và 5 triệu con gà, để làm được điều này cũng cần số vốn không hề nhỏ.
Sự kiện ra mắt thương hiệu heo ăn chuối Bapi kèm với những tham vọng về mảng thịt heo, thịt gà của “bầu” Đức – người từng tự gọi mình là kẻ nhiều lần “ngã ngựa”, đã trở thành đề tài bàn tán của giới đầu tư trong mấy tuần gần đây. Kẻ tin có, người ngờ vực cũng có và họ có những cái lý riêng của mình.
Người tin vì hệ sinh thái mà ông Đức đang sở hữu với quỹ đất lớn, nguồn cung chuối dồi dào vừa để bán vừa làm thức ăn cho heo.
Nhưng cũng có người còn ngờ vực bởi ông nhiều lần thất bại, trong khi trước đó có những phát ngôn gây chú ý như “mỗi ngày đút túi 1 tỷ đồng nhờ bán phân bò”.
Lần trở lại này với con heo, quả chuối, con gà, ông tuyên bố “sẽ không để HAGL ngã ngựa lần nữa” với tham vọng mở 1.000 cửa hàng Bapi Foods, 1 triệu con heo và 5 triệu con gà ăn chuối.
Thị trường heo thịt là miếng bánh vô cùng lớn, bởi chỉ tính riêng thịt heo đã chiếm tới 70% rổ thực phẩm của người tiêu dùng Việt Nam, theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông.
Nhưng miếng bánh lớn đồng nghĩa với việc cạnh tranh khốc liệt. Trong “cuộc chiến” này, bầu Đức có gì trong tay và phải đối mặt với những “người khổng lồ” nào? Bài toán tài chính kéo dài hơn 10 năm qua sẽ được giải quyết ra sao?
Bầu Đức đánh cược lần nữa vào mô hình kinh tế tuần hoàn
Lần trở lại này bầu Đức đặc biệt nhấn mạnh đến hệ sinh thái chuối – heo & gà – hệ thống cửa hàng phân phối Bapi Foods. Đặc biệt, ông tự hào về thương hiệu “heo ăn chuối” và nhắc đi nhắc lại xuyên suốt từ kỳ ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 4 cho đến các sự kiện ra mắt sản phẩm này cùng với hệ thống cửa hàng Bapi mới đây. Đây cũng là đề tài mà giới đầu tư bàn tán trong nửa tháng qua.
Theo ông Đức, HAGL tận dụng số lượng chuối không đạt chất lượng trong vùng trồng rộng 5.000 ha của mình để làm thức ăn cho heo. Thành phần từ chuối sẽ chiếm 40% cấu thành thức ăn chăn nuôi, 60% còn lại là các nguyên liệu mua ngoài như đậu tương, thảo mộc,…
Đặt trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã suốt thời gian qua do giá nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương, lúa mỳ… tăng tính bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái, việc tận dụng được lượng chuối thải được xem là lợi thế vô cùng lớn của HAGL trong việc giảm giá thành chăn nuôi. Hiện tại, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc 60 – 70% nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Trong chăn nuôi heo, thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành, do đó, việc giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng mạnh khiến chi phí nuôi heo của các doanh nghiệp lớn đội lên mức trên 50.000 đồng/kg, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ là hơn 60.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ở HAGL, ông Đức cho biết chi phí nuôi dưới 40.000 đồng/kg nhờ cho heo ăn chuối.
“Năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nhưng HAGL không ngại nhờ 200.000 tấn chuối tươi cho heo ăn. Giá thức chăn nuôi càng cao, HAGL càng hưởng lợi vì các hộ nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng hết. Đến giờ chi phí nuôi của HAGL chỉ khoảng 38.000 đồng”, ông Đức nói với cổ đông tại ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 4.
Theo một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi, một số công thức phối trộn sử dụng nguyên liệu sẵn có sẽ giúp chi phí thức ăn giảm 300 – 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhược điểm của loại thức ăn này là khẩu phần cho ăn sẽ cao hơn so với thức ăn công nghiệp. Nhưng vì giá rẻ nên tính chung, chi phí thức ăn vẫn thấp hơn.
Cũng cần lưu ý rằng, đây không phải là lần đầu tiên HAGL theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn, nói dễ hiểu là phụ phẩm của mảng này làm đầu vào cho mảng khác.
Quay trở lại năm 2014, HAGL cũng từng đặt nhiều kỳ vọng vào dự án nuôi bò công nghệ cao kết hợp với hệ sinh thái nông nghiệp và nhà máy sản xuất mía đường.
Theo đó, sản phẩm phụ từ hoạt động sản xuất đường như bã mía, mật rỉ đường cùng với bã cọ dầu, bẹ lá cọ dầu, cây bắp sẽ dùng làm thức ăn cho bò nhằm tối ưu chi phí.
Năm đầu tiên triển khai mô hình (2015) lợi nhuận mảng chăn nuôi bò của HAGL được ghi nhận cao nhất khi doanh thu đạt 2.542 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 743 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 29%. Có thời điểm, con bò đóng góp tới 63% tổng doanh thu. Đàn bò sau đó được nâng lên từ 43.500 con ban đầu lên 250.000 con.
[tinmoi]
“Không có bò chắc chúng tôi cũng “bò” luôn”, ông Đức từng cảm thán. Ông Đức còn tuyên bố rằng “bán phân bò thôi cũng đút túi 1 tỷ đồng/ngày”. Phát ngôn này của ông sau đó gây tranh cãi.
Tuy nhiên, dự án này sớm nở nhưng cũng chóng tàn vì theo ông Đức “HAGL bán được con bò nào, ngân hàng thu luôn con bò đó”, vì mảng cao su mất thanh khoản. Lợi nhuận nhiều năm sau đó sa sút dần đến năm 2017 còn 37 tỷ đồng, giảm 95% so với năm 2015 và đến 2020, mảng bò không còn xuất hiện trong báo cáo tài chính của HAGL.
Bài toán tài chính chưa bao giờ dễ dàng
Có thể thấy lần thất bại của mô hình nuôi bò trước đó là do vấn đề tài chính. Lần này, với con heo, gà và hệ thống Bapi Foods, có lẽ HAGL tiếp tục phải giải bài toán này, nhất là khi bầu Đức đặt tham vọng mở 1.000 cửa hàng từ nay đến cuối năm sau, kèm với 1 triệu con heo và 5 triệu con gà và mở rộng diện tích trồng chuối thêm 2.000 ha lên 7.000 ha. Bởi, để làm được điều này cũng cần số vốn không hề nhỏ. Trong khi mục tiêu của ông Đức vẫn đang là dần trả các khoản nợ cũ.
Trong báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế của công ty là 3.808 tỷ đồng.
“Điều kiện này cùng với những vấn đề khác nêu trong Thuyết minh 2.6 cho thấy tồn tại không chắn chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, đơn vị kiểm toán Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ernst & Young Việt Nam nêu trong báo cáo.
Theo thuyết minh 2.6, tính đến ngày 30/6, công ty đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Nợ từ trái phiếu thường là 6.440 tỷ đồng, trong đó 5.146 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn và 1.294 là nợ trái phiếu dài hạn đến hạn trả. Trong số các trái chủ, BIDV chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.876 tỷ đồng nhằm bổ sung cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của tập đoàn. Bên cạnh đó, còn có hai trái chủ khác là Công ty Cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên và TPBank, mỗi trái chủ cho vay 300 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng các khoản nợ phải trả là 14.638 tỷ đồng, chiếm 76% quy mô vốn. Trong đó, tổng khoản vay dài hạn và ngắn hạn của công ty là 9.021 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, công ty chưa thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn là 2.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, HAGL cho biết công ty đã có kế hoạch thanh toán khoản lãi vay này.
Giải trình ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán, HAGL cho biết đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Tập đoàn cho biết cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu. Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.
Trong động thái mới đây, ngày 28/9, HAGL công bố đã hoàn tất trả một phần nợ gốc của lô trái phiếu có mã là HAGLBOND16.26 do công ty phát hành ngày 30/12/2016, với giá trị 605 tỷ đồng. Nguồn tiền từ thu nợ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) và nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau khi hoàn tất, dư nợ gốc trái phiếu còn lại là 5.271 tỷ đồng. Nhưng đồng thời HAGL Agrico sẽ nhận lại quyền sử dụng đất với diện tích 9.470 ha và các tài sản trên đất thuộc sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas (đã bán cho Thaco).
Đồng thời, ngày 26/9, HĐQT của HAGL đã thông qua việc tiếp tục triển khai chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Như vậy, nếu phát hành thành công, công ty dự kiến thu về khoảng 1.700 tỷ đồng, được phân bổ cho các công ty con và trả nợ gốc các khoản trái phiếu do tập đoàn phát hành cuối năm 2016.
Tại buổi ra mắt Bapi, ông Đức cho biết: “Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.
Đó là các khoản nợ, còn về nguồn vốn để thực hiện tham vọng của bầu Đức, hiện vẫn chưa có thông tin về dự định vay của HAGL. Về tài sản ngắn hạn, tính đến ngày 30/6 là 8.054 tỷ đồng. Trong đó, tiền là hơn 117 tỷ đồng. Các khoản thu ngắn hạn là 7.053 tỷ đồng và hàng tồn kho 839 tỷ đồng.
Điều ông Đức trăn trở lúc này có lẽ là làm sao lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư và ngân hàng bởi ông nhiều lần thất bại, khi đi từ đỉnh vinh quang ngành bất động sản nhưng rồi trượt dài xuống đáy ở mảng nông nghiệp.
“Nếu tôi phát hành cổ phiếu thành công điều vô cùng đáng mừng. Một số người tin tôi nhưng đa số người không tin tôi vì mình từng thất bại, phải nói thẳng thắn như thế. Có thời điểm, ngân hàng còn từ chối khéo. Do đó, thời điểm này, 1.700 tỷ đồng với HAGL là điều cực kỳ quý. Chúng tôi sẽ khảo sát và mời chào những đối tác đã quen thân và biết HAGL mới dám đầu tư”, Bầu Đức chia sẻ kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Theo cafef
- Chia sẻ: