Hai loại giấy tờ người lao động cần nhận lại sau khi nghỉ việc để không mất quyền lợi
- Chia sẻ:
Hai loại giấy tờ người lao động cần nhận lại sau khi nghỉ việc để không mất quyền lợi - Tin hôm nay đăng bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Hai loại giấy tờ người lao động cần nhận lại sau khi nghỉ việc để không mất quyền lợi
Để không bỏ lỡ các quyền lợi được hưởng do bị mất việc làm hay nghỉ việc, người lao động cần liên hệ với doanh nghiệp để nhận lại 2 loại hồ sơ, giấy tờ sau.
1. Giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động
Đây là giấy tờ quan trọng chứng minh cho việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu không có giấy tờ này, người lao động sẽ không thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ làm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây:
– Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Quyết định thôi việc.
– Quyết định sa thải.
– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
– Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
– Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp.
– Giấy xác nhận của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng lao động với các thông tin về người lao động, loại hợp đồng lao động đã ký, lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động…
Do vậy, khi tiến hành thanh lý hợp đồng lao động với phía doanh nghiệp, người lao động cần yêu cầu họ cung cấp thêm giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng.
[tinmoi]
Nếu doanh nghiệp cố tình không chịu cung cấp giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động, gây ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể tiến hành thủ tục khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động phải thực hiện khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì người lao động có thể khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đòi lại quyền lợi.
2. Sổ bảo hiểm xã hội sau khi đã chốt thời gian đóng
Hiện nay, khi đi làm và có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), mỗi người lao động sẽ được cấp 1 cuốn sổ BHXH để ghi nhận quá trình đóng và hưởng bảo hiểm của mình.
Theo Điều 18 Luật BHXH năm 2014, sổ này sẽ được cấp và giao cho người lao động tự quản lý nhưng trên thực tế thường do người sử dụng lao động giữ để tiện làm các thủ tục hưởng chế độ.
Khi nghỉ việc, người lao động phải nhớ lấy lại sổ BHXH để có thể hoàn thiện đủ giấy tờ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền BHXH một lần.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi nhận sổ BHXH, mọi người cần xác nhận lại xem doanh nghiệp đã chốt thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan BHXH hay chưa. Nếu sổ BHXH chưa chốt, cơ quan BHXH sẽ không giải quyết chế độ cho người lao động.
Điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
Trường hợp không chốt sổ BHXH cho người lao động thì tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 1 – 20 triệu đồng. Đặc biệt, ngay cả khi đã chốt sổ BHXH theo quy định nhưng cố tình không trả lại cho người lao động, người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt.
Theo khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, với mỗi người lao động không được trả sổ BHXH sau khi nghỉ việc, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 1 – 4 triệu đồng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp cố tình không chốt và trả lại sổ BHXH thì người lao động hoàn toàn có thể tố cáo hành vi vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Theo cafef
- Chia sẻ: