Loạt nhà máy hơn 50 năm tuổi khu Cao Xà Lá đình đám 1 thời tại Hà Nội: Có những công ty lỗ triền miên dù nằm trên đất vàng, có đơn vị lãi top đầu cả nước
- Chia sẻ:
Loạt nhà máy hơn 50 năm tuổi khu Cao Xà Lá đình đám 1 thời tại Hà Nội: Có những công ty lỗ triền miên dù nằm trên đất vàng, có đơn vị lãi top đầu cả nước - Tin hôm nay đăng bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay Loạt nhà máy hơn 50 năm tuổi khu Cao Xà Lá đình đám 1 thời tại Hà Nội: Có những công ty lỗ triền miên dù nằm trên đất vàng, có đơn vị lãi top đầu cả nước
Bên cạnh loạt nhà máy cao, xà phòng, thuốc lá hình thành nên tên gọi “Cao Xà Lá”, khu vực này còn có một loạt nhà máy lớn khác như Cơ khí Hà Nội, Bóng đèn Rạng Đông hay Giầy Thượng.
Người dân Thủ đô thường dùng từ khu “đất vàng” Cao Xà Lá để nói về tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời, từng là niềm tự hào của Hà Nội gồm 3 nhà máy cao su – xà phòng – thuốc lá ở quận Thanh Xuân.
Tổ hợp bao gồm Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội và Nhà máy thuốc lá Thăng Long. Đây là 3 khu đất liền kề nhau và có vị trí đắc địa trên mặt tiền đường Nguyễn Trãi – con đường đắt đỏ bậc nhất thủ đô.
Không chỉ có Cao Xà Lá, khu vực này còn là nơi tọa lạc của một loạt nhà máy lớn và lâu đời khác như Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông, Giầy Thượng Đình hay Cơ khí Hà Nội.
Sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, các thương hiệu trên đều đã trở nên quen thuộc, một số vẫn duy trì hoạt động sản xuất tại khu vực này, một số đã chuyển đi để nhường lại “đất vàng” triển khai các dự án bất động sản.
Tuy nhiên những biến động của thời cuộc khiến cho không phải đơn vị nào cũng vẫn duy trì được phong độ tương xứng với tên tuổi lâu năm của mình: ngoại trừ thuốc lá Thăng Long hay bóng đèn Rạng Đông vẫn chiếm vị thế lớn trong ngành, kết quả kinh doanh của một số đơn vị không ghi nhận sự bứt phá trong suốt thời gian dài.
Trong khi đó, Xà phòng Hà Nội (Haso) hay Giầy Thượng Đình đang trong giai đoạn sa sút với nguồn thu rất thấp, thua lỗ kéo dài.
CTCP Cao Su Sao Vàng
Nhà máy cao su Sao Vàng thành lập từ năm 1960, sau đó được đổi tên thành Công ty Cổ phần cao su Sao Vàng, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Đây được coi là nhà máy ra đời sớm nhất ngành công nghiệp cao su Việt Nam.
Thương hiệu này đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Hiện tại nhà máy vẫn sản xuất bình thường với công nghệ cũ từ nhiều năm trước. Nhà máy cao su Sao Vàng nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có động thái di dời một cách cụ thể.
Năm 2021, Cao su Sao Vàng đạt doanh thu 956 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng. Năm 2022, Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng.
Khu đất 231 Nguyễn Trãi của công ty đã được dùng để góp vốn với Tập đoàn Hoành Sơn triển khai dự án bất động sản tại đây.
CTCP Xà phòng Hà Nội
Nằm cạnh Nhà máy cao su Sao Vàng là Nhà máy xà phòng Hà Nội. Hiện nhà máy này đã di dời ra khỏi nội đô, để lại một khu đất rộng lớn, nằm cạnh đường Nguyễn Trãi. Đây là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được xây dựng từ năm 1958. Nhà máy chuyên sản xuất chất tẩy rửa tổng hợp như xà phòng, nước rửa bát, nước giặt, xà bông, kem đánh răng, xà phòng thơm…
Một số sản phẩm nổi tiếng được khách hàng yêu thích thời kỳ trước có thể kể đến kem giặt Haso H/s, xà phòng bánh 72%, thuốc đánh răng Ngọc Lan, xà phòng thơm hoa nhài Ngọc Lan.
Năm 1994, công ty được chấp thuận cho liên doanh với Tập đoàn Unilever, mang lại doanh thu ổn định. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Haso gặp nhiều khó khăn khi Unilever bắt đầu chấm dứt hợp đồng gia công với công ty từ năm 2017
Tình hình kinh doanh của Haso nhiều năm qua đều theo chiều hướng đi xuống. Từ doanh thu 261 tỷ đồng thời điểm 2012, sau 10 năm, doanh thu của Xà phòng Hà Nội chỉ còn lại 1/5 với 50 tỷ đồng.
[tinmoi]
Khu đất tại 233B Nguyễn Trãi của công ty đã được góp vốn cùng với Vingroup để triển khai dự án.
Công ty thuốc lá Thăng Long
Nhà máy còn lại trong tổ hợp Cao Xà Lá này là Nhà máy thuốc lá Thăng Long, cũng là một thương hiệu gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Bên cạnh nhà máy Thăng Long, công ty này còn sở hữu ba nhà máy thuốc lá khác tại Bắc Sơn, Thanh Hóa và Đà Nẵng.
Ước tính mỗi năm nhà máy này cho ra thị trường 1 tỷ bao thuốc lá và đóng hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đến năm 2019, số nộp ngân sách của Vinataba đã lên tới 11.368 tỷ đồng, chiếm khoảng 65,6% toàn ngành.
Doanh thu năm 2021 của công ty đạt 7.013 tỷ đồng – mức tăng trưởng lịch sử từ trước đến nay, lợi nhuận trước thuế đạt 189 tỷ đồng. Hiện tại, Vinataba Thăng Long vẫn giữ vai trò quan trọng trong Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam nói riêng và ngành thuốc lá Việt Nam nói chung.
CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Cũng thuộc khu Cao Xà Lá Nguyễn Trãi là CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tiền thân là Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng vào năm 1958. Đây là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được lựa chọn xây dựng, đặt nền móng cho nền công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 2004, Rạng Đông hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ. Đến năm 2006, Nhà nước giảm tỉ lệ sở hữu tại đây xuống còn 21% thông qua SCIC và chính thức thoái toàn bộ vốn vào năm 2015.
Sau 64 năm hoạt động trên thị trường, Rạng Đông vẫn được đánh giá là nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng và phích nước với 2 nhà máy sản xuất lớn tại Hà Nội.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Rạng Đông đạt 5.709 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước và cũng là mức tăng mạnh nhất trong giai đoạn 6 năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 501 tỷ đồng, vượt 123% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
CTCP Giày Thượng Đình
Xét về hành trình lịch sử, hiếm có thương hiệu nào có thể bám sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt như Giày Thượng Đình. Hình ảnh đôi giày bata trắng đơn giản với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo rất được ưa chuộng bởi tính bền, hữu dụng và phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau.
Tuy nhiên, kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2015, thương hiệu vang bóng một thời có trụ sở tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội lại có kết quả kinh doanh bết bát.
Mới đây, Giày Thượng Đình vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với lợi nhuận trước thuế lỗ 1 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu lại có chút nhỉnh hơn so với năm 2020, đạt 108,7 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Giày Thượng Đình ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2021 của Giày Thượng Đình lên tới 49,4 tỷ, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (93 tỷ).
Chỗ dựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào “quỹ đất vàng” của công ty, nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như sở hữu khu đất có diện tích 36.105m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội, khu đất 17.587m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam, khu đất 18.403m2 tại khu công nghiệp Đồng Văn, xã Duy Minh, Hà Nam, thời hạn thuê đến 2054…
https://cafef.vn/loat-nha-may-hon-50-nam-tuoi-khu-cao-xa-la-dinh-dam-mot-thoi-tai-ha-noi-co-nhung-cong-ty-lo-trien-mien-du-nam-tren-dat-vang-co-don-vi-lai-top-dau-ca-nuoc-20220603173545805.chn
Theo cafef
- Chia sẻ: